Ls Thái Văn Chung: Đường tỉnh lộ, quốc lộ thì người dân không có thẩm quyền sửa chữa, đường hỏng mặc đường hỏng?

Theo như mấy người này thì người dân không có quyền làm những gì mà luật cấm, đó là không được tự ý sửa chữa đường quốc lộ vì không đảm bảo chất lượng. Nhưng cơ quan chức năng làm gì mà 2 năm trời đường hỏng không sửa. Người dân sửa đường mà còn bị hoạnh họe thế này thế nọ. Làm người tử tế khó lắm thay.

Theo luật sư (LS) Thái Văn Chung – phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, đường sá tại mỗi khu vực đều có cơ quan quản lý riêng, ví dụ đường trong quận huyện do UBND quận huyện trực tiếp quản lý.

Đường trong khu dân cư, tùy theo mức độ hư hỏng thì người dân có thể khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên đối với những đường lớn thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là đường tỉnh lộ, quốc lộ thì người dân không có thẩm quyền sửa chữa.

Hình ảnh người dân sửa đường được đăng lên mạng bị khiển trách

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái – phó trưởng khoa vận tải – kinh tế ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, mỗi loại đường đều được phân cấp rõ ràng cụ thể và đều có những tiêu chuẩn chất lượng riêng. Do đó, việc sửa chữa cũng phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.

“Rất hoan nghênh tinh thần của người dân, nhưng nếu sửa chữa không đảm bảo thì lại dễ gây lãng phí, không đảm bảo được thời gian sử dụng lâu dài, sau một thời gian lại hỏng, vừa tốn tiền bạc vừa tốn công sức” – PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết việc sửa đường phải do các cơ quan chịu trách nhiệm bảo dưỡng thực hiện.

Vấn đề là các cơ quan này ở đâu khi đường sá hư hỏng trong thời gian dài mà không thấy sửa?

Đồng tình với việc người dân không có vật liệu, kỹ thuật đúng tiêu chuẩn, do vậy việc sửa chữa đường sẽ không đồng bộ với mặt đường hiện hữu, không đảm bảo chất lượng lâu dài, tuy nhiên LS Lê Quang Vũ, phó trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM), cho rằng phần đường người dân sửa tạm vẫn có thể sử dụng tạm thời và an toàn hơn là để nguyên trạng đường hư hỏng không sửa chữa gì cả.

“Cơ quan chức năng chuyên môn cần nhanh chóng ghi nhận, kiểm tra việc sửa chữa đường của người dân để sau đó tiến hành các thủ tục sửa chữa lại đường cho đúng quy định luật pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật” – ông Lê Quang Vũ nói.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, xét về mặt kỹ thuật thì người dân không nên tự ý sửa đường. Tuy nhiên qua việc làm này của dân cũng thấy sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành giao thông.

“Trách nhiệm của cơ quan bảo dưỡng cầu đường là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện kịp thời những hư hỏng và có kế hoạch sửa chữa. Đằng này họ lại quá chậm trễ để người dân bức xúc phải sửa” – ông Phạm Xuân Mai nói.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết theo quy định, việc bảo dưỡng phải theo định kỳ và trong những trường hợp đột xuất thì phải sửa chữa khẩn cấp.