Ls Thái Văn Chung trả lời Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính về chủ đề: “Bùng nhùng thu phí vào sân bay”

Bùng nhùng thu phí vào sân bay

(ĐTTCO) – Gần 3 tháng sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra liên quan đến khoản tiền sai phạm trên 550 tỷ đồng thu phí xe hơi dừng, đỗ tại các sân bay của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị này vẫn tiếp tục thu khoản phí này khiến dư luận bức xúc.

Vi phạm nghiêm trọng
Theo kết luận của TTCP, trong 2 năm 2014 và 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221m2, tổng số tiền thu về 701 tỷ đồng. Tất cả trường hợp này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai. Đồng thời, ACV còn sai phạm trong việc lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không.
Cụ thể, việc thu tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô đưa đón, trả khách không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền thuế sử dụng đất từ năm 2012-2015.
Kết luận của TTCP cho biết hiện có 21/22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt 7.000-30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 đến 1.650.000 đồng. Chỉ tính từ ngày 1-10-2012 đến 31-12-2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào cảng hàng không trên 550 tỷ đồng.
Tại TPHCM, theo số liệu báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, năm 2014 có khoảng 22.400 ô tô/ngày ra vào sân bay. Với mức thu thấp nhất 10.000 đồng/lượt xe, bình quân cảng này thu 220 triệu đồng/ngày, hơn 80 tỷ đồng/năm. Việc thu phí này diễn ra liên tục từ năm 2002 đến nay. TTCP khẳng định việc thu này mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để. Ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất, các tài xế cho biết thời gian qua khi đưa, đón khách đều phải chịu mức phí 10.000-40.000 đồng/lượt.
Sau khi có kết luận của TTCP, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải (GT-VT) phối hợp Bộ Tài chính có phương án xử lý việc thu phí ô tô 551 tỷ đồng sai quy định tại các sân bay. Về việc thu tiền dịch vụ và đường dẫn vào nhà ga của cảng hàng không, Phó Thủ tướng chỉ đạo giao GT-VT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1-2018.
Trong lúc chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý của Bộ GT-VT và Bộ Tài chính, Cục Hàng không đã có văn bản đề xuất Bộ GT-VT báo cáo Chính phủ tạm dừng việc thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách tại các cảng hàng không của ACV. Theo Cục Hàng không giá dịch vụ chuyên ngành hàng không được quản lý theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan. Các thông tư của Bộ GT-VT không quy định danh mục giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách tại các cảng hàng không. Đó là dịch vụ phi hàng không, không thuộc danh mục giá dịch vụ do Bộ GT-VT định giá, khung giá.
Bùng nhùng thu phí vào sân bay ảnh 1

Sai vẫn cố bảo vệ?

Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 23-1 với Bộ Tài chính, Bộ GT-VT cho rằng việc ACV thu phí dịch vụ là cần thiết để bù đắp vốn đầu tư cũng như duy tu, bảo trì, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không. Để quản lý chặt chẽ hơn với việc cung cấp dịch vụ, bộ này sẽ nghiên cứu bổ sung dịch vụ này vào danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại sân bay. Do đó, đối với kiến nghị của Cục Hàng không về việc tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không, Bộ GT-VT thấy chưa đủ cơ sở để yêu cầu ACV thực hiện.
Trả lời báo chí về lý do chưa dừng thu phí, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho rằng trong kết luận thanh tra chỉ nêu ACV thu sai quy định đất đai, không đưa vào kiến nghị xử lý. Nếu có đưa vào kiến nghị, ACV sẽ chấp hành dừng thu phí ngay. Hiện vẫn chưa có cơ quan nào kết luận ACV phải dừng thu.
Ông Lại Xuân Thanh nhấn mạnh muốn đi vào nhà ga phải đi qua đường ACV đã bỏ tiền đầu tư, không thể có sự lựa chọn nào khác. Đường nối của sân bay được Bộ GT-VT quy định trách nhiệm làm đường này của doanh nghiệp. Do đó ACV xem đây là thành quả đầu tư và kinh doanh trên đất chuyển giao. Quy định này trong Luật Đất đai cũng không rõ ràng khi chỉ quy định doanh nghiệp được quyền hưởng thành quả đầu tư trên đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Trong khi đó, theo LS. Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, bản chất việc Chi nhánh Công ty ACV tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang thu tiền sử dụng sân bay đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô đưa đón, trả khách, là thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, tức phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư, xây dựng đường bộ để kinh doanh được quy định tại Phụ lục số 02 Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 97/2015/QH13.
“Do không bị ràng buộc vào sự quản lý của Nhà nước về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tại Điều 12 Luật phí và lệ phí 97/2015/QH13, có thể dẫn đến tình trạng chủ đầu tư lạm dụng nâng mức thu phí cao hơn so với giá trị, chất lượng dịch vụ cung cấp. Đây là lỗ hổng của pháp luật quy định về vấn đề này” – LS. Thái Văn Chung nhận định.
Vì vậy, các bộ GT-VT, Tài chính, Tư pháp cần tính toán, xem xét lại để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật phù hợp với thực tế khách quan. Theo đó, quy định việc thu phí đường nội bộ xây dựng trên đất được giao (kể cả đất có thu tiền hoặc không thu tiền sử dụng đất) đều xem là thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư, xây dựng đường bộ để kinh doanh. Nhà nước được quyền quản lý, giám sát nhằm vừa bảo đảm quyền lợi chủ đầu tư vừa bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.
Minh Tuấn