Ls Thái Văn Chung: Kỳ 4 – Lâm Đồng: Khẳng định nhiều dấu hiệu sai phạm của cơ quan tố tụng

(PL+) – Luật sư Thái Văn Chung cho rằng, trong vụ án “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” của bị cáo Trần Đức Lợi, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có những vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục tố tụng hình sự, cả về nội dung, bản chất vụ án.

Biên bản có nhiều dấu hiệu sai phạm

Theo kiến nghị số 02 của Luật sư Thái Văn Chung (Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, Đoàn Luật sư TP HCM), hồ sơ vụ án không có Biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Trần Đức Lợi nên việc tạm giữ, tạm giam Trần Đức Lợi từ ngày 06/07/2015 đến nay là trái pháp luật.

Cũng theo kiến nghị này ông Chung khẳng định rõ: “Biên bản phạm tội quả tang (1)” không phải là “Biên bản bắt Trần Đức Lợi phạm tội quả tang”. Theo đó, “Biên bản phạm tội quả tang (1)” được sử dụng trong trường hợp phạm tội quả tang ở trại tạm giam nhà tạm giữ. Việc sử dụng “Biên bản phạm tội quả tang (1)” đối với Trần Đức Lợi là không đúng quy đinh.

Đặc biệt: “Biên bản phạm tội quả tang (1)” chỉ có những người thân thích trong gia đình ông Nguyễn Duy Thành (Thành Đốm) gồm: Nguyễn Duy Thành, vợ Trần Thị Lương, các con là Nguyễn Duy Cơ, Nguyễn Duy Hương (Hưng), Lê Văn Giang (cháu), như vậy là không khách quan.

Tiếp đó, những người liên quan trực tiếp tới vụ việc như ông Nguyễn Văn Dũng -chủ trì lập Biên bản, ông Nguyễn Văn Đồng được cho là người trực tiếp tham gia, siết cổ bị cáo Lợi đều không ký tên vào biên bản.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Quang, bà Phạm Thị Tuyết không có tên, không có lời khai nhưng lại ký tên vào Biên bản. Ông Nguyễn Quốc Tăng, ông Phạm Văn Xuyên – Công an xã Lộc Ngãi là những người đầu tiên đến ghi nhận sự việc tại nhà Thành Đốm, là những người trực tiếp cầm súng, đọc số súng và tháo đạn ra kiểm tra nhưng lại không có tên và ký trong Biên bản phạm tội quả tang (1).

Còn ông Nguyễn Văn Đồng được cho là người trực tiếp tham gia, siết cổ Lợi Cát nhưng lại không có tên và lời khai trong Biên bản cũng như không ký tên vào biên bản.

Vụ án không có vật chứng?

Cũng theo hồ sơ, vụ án không có chứng cứ vật chất (hành vi khách quan) nào xác định Trần Đức Lợi có súng đem đến nhà Nguyễn Duy Thành (tức Thành Đốm) vào ngày 6/7/2015. Theo hồ sơ vụ án thì không có bất cứ biên bản bàn giao súng nào giữa người nhà Thành Đốm cho công an.

Tại Kết luận giám định số 2288/1/C54B Tổng cục Cảnh sát Phân viện KHHS tại TP HCM ngày 31/7/2015 thì khẩu súng K54 mà Công an thu giữ cho rằng là của bị cáo Lợi đã được kết luận rõ là không có dấu vết gì liên quan đến bị cáo Trần Đức Lợi.

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Lâm Đồng thì tại Bản án Phúc thẩm số 53 đã có nội dung nêu rõ: “Tòa án xét thấy lời khai của bị can Lợi và nhân chứng mâu thuẫn, không xác định được khẩu súng có từ đâu. Hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, bị can Lợi kêu oan ngay từ giai đoạn điều tra thể hiện khi lập biên bản phạm tội quả tang bị can Lợi không ký.

Gia đình Nguyễn Duy Thành có mâu thuẫn với Trần Đức Lợi do trước đó Lợi có phát hiện con của Thành Đốm ken chết nhiều cây thông trong khu vực do Công ty An Phú Nông quản lý”.

Các cơ quan tố tụng có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng

Trong vụ án Trần Văn Lợi bị các Cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt giam, truy tố, xét xử sơ thẩm lần đầu với mức án 05 năm tù về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 230 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Chung cho rằng: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có những vi phạm nghiêm trọng cả về thủ tục tố tụng hình sự, cả về nội dung, bản chất vụ án.

Do vụ án được khởi tố, điều tra truy tố từ một sự kiện pháp lý không có thật: Trần Đức Lợi không có súng, không tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng nên hồ sơ vụ án đã thể hiện hàng loạt vấn đề mâu thuẫn. Mâu thuẫn từ lời khai của tất cả những người làm chứng đến những sai phạm trong quá trình lập Biên bản vụ việc, Biên bản phạm tội quả tang, cho đến ký hiệu khẩu súng (tang vật của vụ án) cũng không giống nhau trong các văn bản thu giữ, bảo quản, mở niêm phong, quyết định trưng cầu giám định, nội dung Kết luận điều tra, Cáo trạng…vv.

Việc bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lần đầu thực sự không bảo đảm tính khách quan, có dấu hiệu tạo dựng chứng cứ, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bị cáo Trần Đức Lợi đã bị tạm giam nhưng liên tục kêu oan.

Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho bị cáo Trần Đức Lợi đồng thời đảm bảo cho vụ án được giải quyết một cách thận trọng, khách quan, đúng pháp luật.

Tôi đề nghị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ những sai phạm của những cá nhân, tổ chức liên quan trong thời gian giải quyết vụ án Trần Văn Lợi và có những biện pháp xử lý đối với những cá nhân vi phạm đó theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp, Đoàn Luật sư TP HCM.

Nguồn: Pháp luật Plus