LS Thái Văn Chung trả lời Báo Tiền Phong trong bài viết...

LS Thái Văn Chung trả lời Báo Tiền Phong trong bài viết : Kỳ lạ xe khách trá hình, bến lậu được “phù phép“

Thành phố Hồ Chí Minh nhan nhản xe dù và phức tạp bến lậu, thế nhưng dù có thẩm quyền trong tay, nhưng nhiều cơ quan chức năng tại đây dường như bất lực. Đoàn liên ngành TP HCM vừa đi kiểm tra và kết quả báo cáo thật khác xa so với thực tiễn và trách nhiệm…

Đường Nguyễn Thái Bình (Q1-TP HCM) từ lâu thành bến cóc của các hãng xe Minh Thắng, Mai Hoa, Thiên Phú.
Đường Nguyễn Thái Bình (Q1-TP HCM) từ lâu thành bến cóc của các hãng xe Minh Thắng, Mai Hoa, Thiên Phú.

Bến lậu được công nhận… an toàn giao thông

Sống tại đường Vĩnh Viễn, P.2, Q.10, TP HCM nên ông Nguyễn Minh Nghệ hàng ngày chứng kiến những chiếc xe giường nằm 40 chỗ ra vào tại số 1 Vĩnh Viễn. Tình trạng giao thông phức tạp, khiến ông không khỏi bức xúc: “Hàng chục ngàn hành khách đi đến ở bến này công khai. Ai muốn đi Đà Lạt thì ra bến xe Thành Bưởi này để đi chứ không cần hợp đồng gì. Một bến xe ngang nhiên tồn tại trong nội đô, cử tri chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo Thành phố, nhưng không biết sao bến xe này vẫn ngang nhiên tồn tại”.

Từ tháng 3/2016, Sở GTVT TP HCM đã cho gắn biển cấm dừng đỗ trên đường Lê Hồng Phong (sau đó gắn biển cấm xe từ 25 chỗ lưu thông trên đường Lê Hồng Phong và Vĩnh Viễn từ 5h-22h hàng ngày). Thế nhưng, không hiểu sao, Đoàn kiểm tra liên ngành mới đây khi kiểm tra bến xe tại điểm 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10) lại đánh giá đây là điểm đón trả khách an toàn và đề nghị doanh nghiệp duy trì hoạt động vận tải hành khách đúng theo quy định.

Điểm đón trả khách của Công ty Phú Vĩnh Long tại số 518 đường Ba Tháng Hai (P.14, Q.10) ngay tại chân cầu vượt thép nút giao đường Ba Tháng Hai – Nguyễn Tri Phương. Đây là điểm đón trả khách thường xuyên gây ùn tắc giao thông mỗi khi vào dịp cao điểm sáng chiều. Lạ lùng thay, địa điểm này được Đoàn liên ngành đánh giá đảm bảo an toàn giao thông.

Tương tự tại điạ chỉ 245 Thái Phiên (P.8, Q.11),  Công ty TNHH VT Tuấn Hưng chuyên đón, trả khách đi Ca Mau và ngược lại. Phía trước xe có dán chữ BX miền Tây – BX Cà Mau, hành khách từ Ca Mau lên TP HCM đều được chiếc xe giường nằm 40 chỗ chở thẳng vào trung tâm quận 11 trả khách. Thế nhưng Đoàn liên ngành đã kiểm tra và chỉ xác định doanh nghiệp này vận chuyển hành khách theo hợp đồng. Địa điểm trên cũng được đánh giá đảm bảo an toàn giao thông.

Bản báo cáo kỳ lạ

Một lãnh đạo Bến xe miền Đông cầm trên tay bản báo cáo của Đoàn liên ngành do ông Bùi Xuân Cường-Giám đốc Sở GTVT TP HCM ký, lắc đầu, nói: “Báo cáo đánh giá kiểu này thì không bao giờ dẹp được xe dù, bến cóc”.

Theo báo cáo, Đoàn liên ngành đã kiểm tra 86 điểm đăng ký kinh doanh, trong đó có 70 điểm hoạt động đón, trả khách, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định, hoạt động kinh doanh vận tải theo loại hình được cấp phép. Đại diện một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP HCM cho rằng, kiểu kiểm tra báo cáo như Đoàn liên ngành thì không cần mất công kiểm tra. “Các điểm đón trả khách tất nhiên phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy phép kinh doanh vận tải. Không có các giấy tờ đó sao tồn tại được. Quan trọng là doanh nghiệp có hoạt động đúng như giấy phép cấp hay không”.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng báo cáo của Đoàn liên ngành xác định hầu hết các điểm này đều có  “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”  và “giấy  phép kinh doanh vận tải”. Tuy vậy, Đoàn liên ngành lại không kết luận các điểm này có hợp pháp hay không mà chỉ báo cáo điểm này đảm bảo ATGT,  điểm kia chưa đảm bảo ATGT là không đúng bản chất vấn đề.

Điển hình như điểm đón trả khách tại tại 419 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10). Từ cuối năm 2016, UBND Quận 10 đã lập đoàn kiểm tra. Theo văn bản (số 4849) do ông Vũ Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND quận 10 ký gửi UBND TP HCM khẳng định: Việc hình thành, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe tại trá hình tại địa chỉ 149 Lê Hồng Phong “là hành vi trái pháp luật, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống bến xe, chỉ tiêu quy hoạch tại khu vực và tạo bức xúc lớn trong cử tri, nhân dân khu vực và thành phố”.

Ông Khoa còn cho biết, việc vận tải hành khách khối lượng lớn, tập trung của Công ty Thành Bưởi gây hệ lụy cho khu vực. Đó là ách tắc giao thông, phức tạp về an ninh trật tự, gây áp lực lớn về hạ tầng đô thị tại khu vực này và các quận 3,5,10. Do đó, UBND quận 10 “không đồng ý việc hình thành bến xe, bãi đỗ xe trá hình tại khu vực này và cả quận 10. Thế nhưng, Đoàn liên ngành đã kiểm tra và vẫn đánh giá địa điểm này đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Lê Trung Tính, kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành chưa chỉ ra được hoạt động đón trả khách trong nội thành của các xe hiện nay có phải là xe dù, bến cóc hay không, mà chỉ đánh giá các điểm này có đảm bảo ATGT hay không. Điều này chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu cho UBND TP về lĩnh vực này.

Về những kiến nghị của Đoàn liên ngành đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm sửa đổi Nghị định 86/2014 như quy định màu sắc xe trung chuyển, phạt nguội bằng camera, điểm đón trả khách phải có giấy phép…; ông Tính cho rằng không mấy cần thiết vì không có gì mới. “Với những quy định hiện hành đã khá chặt chẽ, đủ sức xử lý tệ trạng xe dù, bến cóc”, ông Tính khẳng định.

Đồng quan điểm này, Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng tình trạng xe dù, bến cóc đã tồn tại ở TP HCM cả chục năm nay, chứ không phải vấn đề mới nên những đề xuất kiểu này là rất cũ. Các quy định hiện tại đã định nghĩa rất rõ về bến xe, những xe hoạt động chở khách. Cách kiểm tra và báo cáo của Đoàn liên ngành được ông Chung đánh giá là vòng vo và đùn đẩy trách nhiệm lên Bộ GTVT.